Vụ Xuân năm 2022, Hưng Tân gieo cấy hơn 250ha lúa, trong đó tập trung khoảng 80% các loại giống như AC5, Bắc Thịnh, VNR20, Thiên ưu 8; 20% còn lại cơ cấu các loại nếp như ĐT52, nếp dòng 87, 97...
Đến nay lúa xuân phát triển khá tốt đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên do thời tiết ấm dần lên, độ ẩm không khí cao, đêm và sáng sớm có sương mù là điều kiện để bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại đối với lúa xuân. Qua kiểm tra của Ban chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2022 cho thấy toàn xã có khoảng gần 30ha lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn ở cánh đồng cả 4 làng. Trong đó tập trung mật độ cao hơn ở cánh đồng lớn thuộc Làng Nam và Làng Phan, chủ yếu ở diện tích lúa AC5.
Ban chỉ đạo kiểm tra diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá. Ảnh: Lê Sơn
Ngay sau khi phát hiện bệnh, Ủy ban nhân dân xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng bệnh đạo ôn, phân công các thành viên phụ trách các cơ sở, cử cán bộ kỹ thuật bám đồng để hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ. Qua kiểm tra nhận thấy một số bà con nông dân đã chưa thực hiện đúng khuyến cáo trong phòng trừ bệnh đạo ôn như chưa sử dụng đúng thuốc đặc trị hoặc phun thuốc không đủ nồng độ. Vì vậy gây khó khăn cho công tác phòng trừ.
Dấu hiệu lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá
Để kịp thời phòng trừ, không để bệnh đạo ôn lá lây lan diện rộng, Ban chỉ đạo khuyến cáo bà con nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh thực hiện đúng khuyến cáo trong công tác phòng trừ như: sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Beam 75WP (12-16 gam/sào); Kabim 30WP (20-30gam/sào); Filia 525SC (25-30ml/sào);... Các loại thuốc trên hòa tan trong 20-25 lít nước phun cho 1 sào. Đối với những chân ruộng bị bệnh gây hại nặng cần tiến hành phun lại lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc trên. Không sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá để trộn với các loại thuốc trừ bệnh để phun trừ./.
Ban Biên tập