CON NGƯỜI CÓ TỔ CÓ TÔNG, NHƯ CÂY CÓ CỘI, NHƯ SÔNG CÓ NGUỒN
Trong tâm thức bao đời nay của người dân đất Việt, Vua Hùng chính là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân.
Dân tộc Việt Nam muôn đời tự hào mình là con rồng cháu tiên, con cháu Vua Hùng. Tất cả đều ý thức về tổ tiên và nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc. Hai câu thơ “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” trong bài thơ “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm là sự vận dụng sáng tạo câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba” là lời nhắc nhở về nguồn gốc, dòng giống Tổ tiên. Hai chữ “cúi đầu” thể hiện niềm thành kính thiêng liêng mà rất đỗi tự hào về nguồn gốc cha ông. Cúi đầu để hướng về lịch sử, về những Tổ Hùng Vương đã góp công dựng nên nước nhà Âu Lạc mà nay là nước Việt Nam hùng cường sánh vai bốn bể năm châu. Người Việt dù đi khắp thế giới nhưng trong tâm linh của họ luôn có một ngôi nhà chung để quay về. Đó chính là Quê cha đất Tổ.
Ngược dòng lịch sử, từ hàng nghìn năm nay, vào dịp mồng 10 tháng 3 hằng năm, con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc đã cùng hướng về vùng đất cổ Phong Châu, về đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh cùng thực hành nghi thức cúng tế trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Chính phủ và Nhân dân ta trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc. Chín năm sau, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19/9/1954, Đền Hùng là nơi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong những năm cuối của thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng đã được Đảng, nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới, thể hiện ở các văn bản quy định tổ chức lễ hội Đền Hùng theo nghi thức cấp nhà nước vào các năm chẵn, cấp tỉnh vào các năm lẻ cùng các quy định về tôn tạo bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng... sao cho xứng tầm là di tích quốc gia đặc biệt, để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện ở khu vực trung tâm là Phú Thọ mà còn có hơn 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích liên quan đến thời Hùng Vương, trong đó có 109 di tích thờ vua Hùng. Ngoài ra còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và cư ngụ.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, người Việt với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn bền bỉ trao truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngày Giỗ Tổ luôn là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết toàn dân tộc thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn.
Hiểu và thành kính với cội nguồn dân tộc, không chỉ để chúng ta tự hào về nguồn gốc con rồng cháu tiên, mà còn ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của hế hệ hôm nay trong việc vun đắp, kế thừa và phát huy các di sản của thời đại Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân để lại. Hiện nay, thế và lực đất nước ta ngày một lớn mạnh như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách… Vì vậy, để vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước mà các Vua Hùng đã tạo nên.
Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về cội nguồn, quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai. Ở ngày Giỗ Tổ năm nay với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”, mỗi con dân nước Việt lại thêm một lần tự hào về những giá trị đó, cùng chung tay đoàn kết và quyết tâm cao độ vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguồn: Fb Mặt trận Nghệ An
Tiêu đề do Ban biên tập đặt