Hưng Tân: Quyết tâm trở thành " miền quê ví, giặm"

Thứ ba - 03/10/2023 03:37
Xã Hưng Tân đề ra mục tiêu xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023. Trong đó việc xây dựng đặc trưng Hưng Tân trở thành " miền quê ví, giặm" đã tạo sức lan tỏa sâu rộng.
1.Những cứ liệu lịch sử để xây dựng Hưng Tân thành " Miền quê ví, giặm".
Từ các tài liệu nghiên cứu cùng với điền dã tại các làng cho thấy: Từ buổi sơ khai lập làng, mảnh đất Hưng Tân ngày nay, ngày xưa gồm 02 làng cổ: Làng Hoàng Cần ( ngày nay gồm: Làng Trung Thượng, Làng Đông, Làng Nam) và Phan Thôn. Ở 2 làng cổ này đểu có đền thờ Thành hoàng và các vị phúc thần có công hộ quốc an dân. Hàng năm, nhất là dịp đầu xuân năm mới, lễ hội ở các làng được tổ chức nghiêm trang, là nới sinh hoạt văn hóa tâm linh cho cư dân nông nghiệp. Trong bản Hương ước Phan Thôn ( soạn năm Gia Long thứ nhất -  1802) hiện còn lưu giữ cho thấy tại các lễ hội như: Lễ nghênh niên lạp tiết ( đón năm mới); Lễ kỳ phúc, kỳ yên; Lễ yết thần, rước thần... nhân dân trong vùng đều tổ chức các canh hát phường vải, những đêm hát tuồng, các trò diễn xướng dân gian...thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng về tham dự. Nhân dân Hoàng Cần với nghề chủ đạo là trồng lúa, trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm; Nhân dân Phan Thôn ngoài nghề trồng lúa còn có nghề truyền thống bện dây thừng... Từ trong các không gian lao động ấy, người dân các làng đã say sưa với các trò diễn xướng đối đáp ví, giặm để quên đi mệt nhọc, tạo sự lạc quan. Qua điền dã, thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Hưng Tân hiện còn hơn 50 cụ già trên 80 tuổi nhớ, thuộc các câu vè, câu ví cổ.
2. Thực trạng hiện nay.
Từ truyền thống, bản sắc đam mê văn hóa văn nghệ, đặc biệt là mạch nguồn ví, giặm ở các làng. Từ năm 2012, Hưng Tân đã thành lập CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với hơn 30 thành viên, là những người nông dân đam mê với di sản cha ông để lại. Với 3 hình thức hoạt động chính, gồm: Sưu tầm, biên soạn; Phục dựng các trò diễn xướng và truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ. Qua hơn 10 năm hoạt động, đến nay CLB có hơn 50 thành viên đủ mọi lứa tuổi, có 01 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.  Ngoài ra ở mỗi làng đều thành lập các CLB văn nghệ, lấy hình thức thực hành di sản ví, giặm làm chủ đạo đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ ngày thành lập đến nay, CLB dân ca ví, giặm xã Hưng Tân đã tham gia 04 kỳ liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh và liên tỉnh; đã dành được: 01 giải Nhất, 01 giải nhì, 01 giải Ba toàn đoàn cùng 15 giải A, 11 giải B, 9 giải C cho các tiết mục. Trong đó một số trò diễn xướng được phục dựng từ các làng nghề truyền thống của Hưng Tân tạo được dấu ấn như: Hát diễn xướng phường bánh; phường cấy; phường chợ... Ngoài ra CLB còn điền dã, sưu tầm được hơn 10 làn điệu hát cổ lưu giữ trong nhân dân để cung cấp cho phòng sưu tầm thuộc Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An.
VG1
Tái hiện các màn diễn xướng dân ca ví, giặm tại Hưng Tân
Với tôn chỉ, mục đích không ngừng lan tỏa tình yêu ví, giặm; trong hơn 10 năm qua, CLB đã định kỳ mở các lớp truyền dạy dân ca ví, giặm cho các em thanh – thiếu nhi.
Đồng thời thường xuyên dàn dựng, biểu diễn các chương trình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương và biểu diễn phục vụ các đoàn khách về tham quan, trải nghiệm làng nghề tại Hưng Tân, trong đó vinh dự được biểu diễn đón tiếp đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Quốc hội ( tháng 01 năm 2022); đồng chí đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ công an ( tháng 11 năm 2022) và lãnh đạo Tỉnh Nghệ An. CLB dân ca xã Hưng Tân cũng là một trong số ít những CLB được Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An và Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh mời tham dự chương trình thực nghiệm tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm, “ thầy gà, thầy bày” hàng tuần tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh Làng Phan biểu diễn đón đại tướng Tô Lâm cùng đoàn đại biểu TW và tỉnh Nghệ An
CLB dân ca ví, giặm xã Hưng Tân biểu diễn đón Đại tướng Tô Lâm về thăm và làm việc
Điều quan trọng nhất, qua quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ, đến nay bất kỳ người dân Hưng Tân nào, từ cụ già đến em nhỏ đều có thế nhớ, có thể hát ví, giặm.
3. Các giải pháp để xây dựng Hưng Tân thành " miền quê ví, giặm".
Với mục tiêu nỗ lực để xây dựng Hưng Tân trở thành “ Miền quê ví, giặm” gắn với điểm tham quan, trải nghiệm cộng đồng. Hưng Tân đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất: Đầu tư mọi nguồn lực để ngày càng chuẩn hóa hoạt động của CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh như mua sắm thêm phục trang, đạo cụ, loa máy. Gửi đào tạo một số nghệ nhân, thành viên có năng khiếu để làm hạt nhân truyền dạy tại các cụm dân cư;
Thứ hai: khảo sát, cũng cố hoặc thành lập mới các đội văn nghệ quần chúng ở các làng, trong đó lấy hình thức phục dựng các trò diễn xướng dân ca ví, giặm cổ kết hợp việc biên soạn các tác phẩm dân ca mới để tạo đời sống văn hóa tinh thần sôi nổi ở các khu dân cư;
Thứ ba: Tiếp tục kết nối, thực nghiệm đón các đoàn khách về tham quan, trải nghiệm, thực hành tại các làng nghề truyền thống để khách tham quan vừa nghe hát ví, giặm vừa thực hành nghề và thưởng thức sản phẩm nghề truyền thống;
DC1
 
DC2
Hưng Tân thường xuyên mở các lớp truyền dạy dân ca ví, giặm cho người dân và thế hệ trẻ
Thứ tư: Kết nối với Ban quản lý các di tích trên địa bàn huyện như: Di tích quốc gia Xô viết Nghệ Tĩnh; khu lưu niệm đồng chí Tổng bí thư Lê Hồng Phong để kết nối các đoàn khách về Hưng Tân nghe hát ví, giặm và trải nghiệm làng nghề;
Thứ năm: Đẩy mạnh việc sưu tầm, biên soạn và truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ./.
 
Trọng Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây