Giới thiệu chung về xã Hưng Tân

Giới thiệu chung về xã Hưng Tân
I.LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ HƯNG TÂN.
Hiện nay, chưa có bằng chứng phát hiện về sự tồn tại của người nguyên thủy và những dấu tích về người Việt cổ qua các thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc trên đất Hưng Tân. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu , các nhà khoa học đã tìm thấy một số dấu vết thời kỳ đồ đá mới, đặc biệt là một số hiện vật tìm được ở xứ Đồng Mồ ( thuộc địa phận Phan Thôn Hưng Tân giáp Hưng Thắng), các nhà khảo cổ cho rằng thời đại văn hóa Sơn Vi, trên đất Hưng Tân đã có người sinh sống.
Từ trước thế kỷ XVI, mảnh đất Hưng Tân vốn là vùng đầm lầy, cây cối rậm rạp, nhiều rắn rết và thưa thớt dân cư. Thời Lê – Mạc phân tranh, chiến tranh loạn lạc, một số quan lại nhà Lê hoặc chạy giặc hoặc bị truy đuổi đã phiêu dạt về vùng đất này ẩn náu. Họ chiêu dân, khai hoang lập làng, cải tạo đầm lầy, tạo nên các làng mạc, trong đó có làng Hoàng Cần và Phan Thôn.
Đầu thế kỷ XIX về trước, Làng Hoàng Cần còn được gọi là xã Hoàng Cần ( tổng Thông Lạng) và là một trong những làng lớn trong huyện. Theo số liệu thống kê của “ Danh sách các phủ, huyện, tổng, làng và số cử tri trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh năm 1892” thì làng Hoàng Cần có 145 đinh. Đến trước cách mạng tháng Tám dân số trong làng trên 650 người. Làng được chia thành 4 thôn nhỏ gồm: Đông, Nam, Trung, Thượng. Mỗi thôn có một ngôi đền khai canh. Làng Hoàng Cần có các dòng họ lớn như: Ngô, Nguyễn, Hồ, Phan, Đinh, Hoàng.
Còn Phan Thôn là một làng nhỏ. Cũng theo số liệu thống kê của “ Danh sách các phủ, huyện, tổng, làng và số cử tri trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh năm 1892” thì làng Phan Thôn có 34 đinh.
Theo hương ước Phan Thôn soạn năm Gia Long thứ nhất ( 1802) hiện còn lưu giữ cho thấy: Phan Thôn có một ngôi đền thờ Bản cảnh Thành hoàng rất uy nghi và linh thiêng. Cạnh đền có Chùa thờ phật và một giếng nước ( tương truyền do người Tàu đào để trấn yểm mạch đế vương của nước Nam ta).
Cư dân Hoàng Cần và Phan Thôn đều chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Bên cạnh đó còn có nghề nuôi tằm dệt bông, dệt vải, bện dây thừng. Đời sống văn hóa tương đối phong phú. Hoàng Cần có các canh hát phường vải; Phan Thôn có truyền thống hát tuồng, hát chèo nức tiếng quanh vùng.
Như vậy, dù chưa xác định được rõ thời gian xuất hiện, nhưng có thể thấy được rằng, từ thế ky XVIII trở đi, Hoàng Cần và Phan Thôn đã là một đơn vị hành chính cơ sở của chính quyền phong kiến thuộc tổng Thông Lạng – Phủ Hưng Nguyên, trấn Nghệ An. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, với hơn 30 dòng họ lớn nhỏ cùng làm ăn sinh sống, người dân nơi đây đã chung lưng đấu cật, gắn bó mật thiết với nhau, cùng nhau đấu tranh chống lại thiên tai địch họa tạo nên những truyền thống tốt đẹp cho mảnh đất Hưng Tân ngày nay.
Sau cách mạng Tháng Tám, thực hiện chủ trương của nhà nước, bãi bỏ cấp tổng, các làng nhỏ được sáp nhập với nhau thành các xã lớn. Do đó, Phan Thôn và Hoàng Cần nhập lại thành xã Minh Tân.
Tháng 5 năm 1949, việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa các xã được tiến hành một lần nữa. Theo đó xã Minh Tân cùng với các xã Hưng Thông, Hưng Tiến, Hưng Thắng sáp nhập với nhau thành xã Hưng Thông ( thường gọi Hưng Thông lớn).
Tháng 12 năm 1953, theo chủ trương phân chia lại cấp xã của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, xã Hưng Thông được tách thành 4 xã: Hưng Thông, Hưng Tiến, Hưng Thắng và Hưng Tân. Tên gọi Hưng Tân chính thức từ đây mà có.
Hiện nay. Về cơ bản xã Hưng Tân vẫn nằm trên địa bàn 2 làng Hoàng Cần và Phan Thôn. Tổng toàn xã có 1.165 hộ gia đình với 4.295 nhân khẩu, phân bố trên địa bàn 4 làng gồm:
Làng Trung Thượng
Làng Đông
Làng Nam
Làng Phan.
II. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN HƯNG TÂN.
1.Giai đoạn trước khi có Đảng:
Trải qua hàng trăm năm lập làng, lập xã, nhân dân Hoàng Cần và Phan Thôn luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, chung lưng đấu cật, góp công sức, mồ hôi, xương máu để xây dựng và bảo vệ quê hương.
Thời tây Sơn dấy nghĩa, trong cuộc hành quân thần tốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung đã dừng chân duyệt binh ở Phượng Hoàng – Trung Đô ( Vinh), hàng trăm nông dân Hoàng Cần, Phan Thôn đã hăng hái gia nhập đội quân “ áo vải cờ đào”, góp phần bổ sung 5 vạn tinh binh, lập nên đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Sau sự kiện thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, cùng với nhiều sỹ phu yêu nước ở Hưng Nguyên, nhân dân 2 làng Hoàng Cần và Phan Thôn đã nhất tề đứng lên hưởng ứng các phong trào Nghĩa Hội – Cần Vương, Đông Du, Duy Tân... Ở Hoàng Cần lúc ấy có cụ Tổng giáo Khanh đứng ra chiêu tập nghĩa quân, phối hợp chiến đấu với nghĩa quân cụ Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. Ông được cụ Phan tin tưởng giao nhiều trọng trách và đề lên chức “ Tổng đốc quân lương” lo việc lương thực cho nghĩa quân.
Tiêu biểu hưởng ứng phong trào Cần Vương lúc ấy ở Phan Thông có cụ Nguyễn Thái Bạt ( Nguyễn Huy Chước) – người họ Nguyễn Trọng. Nhà nghèo nhưng học giỏi, 7 lần đi thi đều đỗ Tú tài. Vua Tự Đức đặc cách điều động giữ chứng Biên tu trong Phủ Dực Thiện, sau bổ nhiệm làm Tri huyện Yên Hóa, Thiệu Hóa, Thạch Hà. Ông là người có tinh thần yêu nước, tích cực bí mật ủng hộ phong trào Cần Vương. Sự việc bại lộ, ông bị thực dân Pháp giam cầm, tra tấn đến chết để thị uy dân chúng.
Họ Nguyễn Trọng ở Phan Thôn còn có bà Nguyễn Thị Tích ( Lý Phương Thuận) – là một trong năm thanh niên đầu tiên được Bác Hồ cử xuất dương. Bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc khi vừa tròn 18 tuổi. Lý Phương Thuận là một liên lạc xuất sắc hoạt động cùng Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong. Sau khi về nước bà đã trở thành nữ chiến sỹ tình báo đầu tiên của nền an ninh cách mạng Việt Nam, góp thành tích xuất sắc trong phá vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội năm 1946.
2. Tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Hưng Tân những ngày đầu có Đảng:
Tháng 5 năm 1930, trên toàn huyện đã thành lập được các chi bộ cộng sản ở: Phù Long, Yên Trường. Ở Hoàng  Cần và Phan Thôn lúc đó tuy chưa thành lập được chi bộ nhưng các tổ chức như Nông hội và các đội tự vệ đã sớm hình thành và hoạt động rất tích cực đặt dưới sự chỉ đạo của chi bộ Thông Lãng. Cao trào cách mạng 1930 – 1931, nhân dân Hoàng Cần và Phan Thôn hưởng ứng mạnh mẽ. Đỉnh điểm vào sáng ngày 12/9/1930, hơn 2 vạn nông dân kéo ra phủ lỵ đòi yêu sách. Đoàn biểu tình đi từ cổng làng Phù Xá ra dừng chân cắm cờ đỏ búa liềm lên cây đa đình Hoàng Cần diễn thuyết. Hàng trăm nông dân Hoàng Cần và Phan thôn đã hăng hái gia nhập đoàn người. Đoàn biểu tình ra đến Thái Lão bị máy bay Pháp tàn sát làm 217 người hy sinh. Trong đó có 17 người con của Hoàng Cần và Phan Thôn. Từ sau cuộc biểu tình, các tổ chức nông hội đỏ, tự vệ đỏ ở Hoàng Cần phát triển nhanh chóng. Ở Hoàng Cần thành lập được 3 đội tự vệ với 30 đội viên do ông Hồ Tưu chỉ huy. Ở Phan Thôn thành lập được 1 tổ với 10 đội viên do ông Hồ Giáp chỉ huy
3. Khởi nghĩa dành chính quyền ở Hoàng Cần và Phan Thôn:
Tháng 4 năm 1945, một đồng chí trong phủ bộ Hưng Nguyên đã về liên lạc với các đồng chí Phan Xầm, Phan Bật bàn việc phát triển Việt Minh ở Hoàng Cần, Phan Thôn và phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Tiếp đó, một cuộc họp thành lập mặt trận Việt Minh được tiến hành, lập ra tổ chức Việt Minh gồm 9 đồng chí. Việt Minh ở Hoàng Cần và Phan Thôn đã vận động địa chủ và nhà giàu quyên góp được hơn 10 tạ thóc vào quỹ cứu tế.
Ngày 15/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp và ra lệnh cho các phủ, huyện “ bố trí ngay việc cướp chính quyền, không câu nệ làng trước hay huyện trước...”. Rạng sáng ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa và lực lượng tự vệ Hoàng Cần dẫn đầu là các đồng chí Hồ Ngôn, Nguyễn Đăng Bỉnh, Phan Xầm với sự tham gia của đông đảo quần chúng kéo về đình làng ( cạnh gốc đa làng Cần ngày nay) đọc lệnh khởi nghĩa. Ngay lập tức, lý trưởng và các chức sắc đã giao nạp các loại sổ sách, giấy tờ , dấu triện cho cách mạng. Cùng thời điểm đó, ở Phan Thôn các đồng chí trong nông hội đỏ như Hồ Lung, Nguyễn Hữu Niệm ( chánh Niệm), Đồ Diên ( Nguyễn Trọng Diên) đã tích cực rải truyền đơn, vận động nhân dân trong làng đứng lên dành chính quyền. Tại đền làng, ngay từ tờ mờ sáng, nhân dân đã tập trung đông đảo phối hợp cán bộ Việt Minh cùng với đội tự vệ cho gọi tất cả Hội đồng hương chính thôn tạp trung để bàn giao giấy tờ, sổ sách, dấu triện cho đại diện Việt Minh. Chỉ trong buổi sáng ngày 20/8/1945, khởi nghĩa dành chính quyền ở Hoàng Cần và Phan Thôn đã thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau khởi nghĩa, Ủy ban cách mạng lâm thời của làng đã ra mắt nhân dân:
Làng Hoàng Cần do đồng chí Phan Xầm làm chủ tịch; Làng Phan Thôn do đồng chí Nguyễn Trọng Trinh làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Khương làm phó chủ tịch.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây