Nguyễn Thị Tích - Người được Bác Hồ tin cậy

Thứ hai - 15/11/2021 21:56
Nguyễn Thị Tích - người con ưu tú của Hưng Tân, một trong 5 thanh niên đầu tiên được Bác Hồ cử xuât dương, nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung được Bác Hồ tin cậy
Bà Nguyễn Thị Tích từ Quế Châu (Trung Quốc) trở về Tổ quốc sau 22 năm xa quê. Lúc ấy Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công. Khi bà vào thăm nhà một người quen tại Hà Nội, thấy gia chủ treo ảnh Hồ Chủ tịch. 
Anh-tin-bai
Bà Nguyễn Thị Tích
Bà Nguyễn Thị Tích từ Quế Châu (Trung Quốc) trở về Tổ quốc sau 22 năm xa quê. Lúc ấy Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công. Khi bà vào thăm nhà một người quen tại Hà Nội, thấy gia chủ treo ảnh Hồ Chủ tịch. Bà vô cùng hồi hộp và sung sướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Tống Văn Sơ, người lãnh đạo gần gũi của bà hồi hoạt động tại Hồng Công, lúc ấy bà có tên là Lý Phương Thuận. Bà liền xin được gặp Người. Chiều hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương đến. Người đưa tay về phía Lý Phương Thuận và nói: “Đây là cô Hoàng Lệ Minh, người đã từng trải hoạt động bí mật có nhiều kinh nghiệm. Chú rất cần những cán bộ như thế này để tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng”.
Trong cuốn tự truyện “Một mình trên đường”, con gái bà là Bùi Lệ Tân Sitek tả về bà thời điểm ấy như sau: “Một người phụ nữ dù đã vào tuổi 30, nhưng trông rất trẻ, vừa lịch sự vừa quyến rũ, nói được tiếng Hoa của nhiều vùng, tiếng Xiêm, tiếng Nhật, tiếng Việt, được chủ khách sạn- ông bà Thùy- cũng là cơ sở của Việt Minh giới thiệu với các sĩ quan rằng bà là người Hoa gốc Việt từ Vân Nam sang đây lập nghiệp”(1). Bà Nguyễn Thị Tích với tên mới là Hoàng Lệ Minh nhận nhiệm vụ đặc biệt trong vai trò một người tiếp viên bàn tại khách sạn Thăng Long trước ga Hà Nội, nơi bị bọn Tưởng chiếm giữ. Bọn Tưởng không mảy may nghi ngờ người tiếp viên khách sạn là một tình báo tài năng. Bà nắm tin tức qua các sĩ quan Tưởng Giới Thạch về việc chúng đưa quân ồ ạt sang Việt Nam, chuẩn bị lực lượng để lật đổ chính quyền của ta. Những tin tức ấy đã góp phần vào chiến công của ngành Công an non trẻ, triệt phá vụ án lớn Ôn Như Hầu, ngày 12/7/1946, đập tan âm mưu bọn phản động, bảo vệ thành quả Cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Tích sinh năm 1916, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, tại làng Phan, xã Thông Lãng, tổng Thông Lãng, nay là xóm 8 xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Đầu năm 1924, lúc mới lên 9 tuổi, bà được cha cho đi theo đoàn thanh niên Nghệ An xuất dương tìm đường cứu nước. Đầu tiên bà được đưa sang Lào, rồi sang Xiêm (Thái Lan) để học chữ, học tiếng. Một năm sau bà được đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tại trường Tiểu học Trung Sơn với tên mới là Ngô Ứng Thuận. Sau khi tốt nghiệp, bà được đoàn thể phân công làm việc tại cơ quan bí mật của Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Một thời gian sau, bà được đồng chí Lý Thụy (Bác Hồ) bố trí vào làm công nhân ở nhà máy Điện Kỳ. Tháng 4/1931, bà được giao nhiệm vụ giúp việc trong cơ quan của Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ở Hồng Kông với vai trò là người dịch tài liệu và làm giao liên. Lúc này, bà mang tên mới là Lý Phương Thuận, người Nam Kinh (Trung Quốc) là cháu của Tống Văn Sơ. Hai tháng sau, sáng sớm ngày 6/6/1931, cảnh sát Hồng Công vây chặt ngôi nhà 186 phố Tam Lung, cả Tống Văn Sơ và Lý Phương Thuận đều bị bắt. Trong phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ lần thứ nhất ngày 31/7/1931, bà được tha vì không đủ chứng cớ buộc tội.
Biết Lý Phương Thuận khó thoát khỏi bủa vây của bọn mật thám, từ trong nhà giam, Tống Văn Sơ đã bí mật viết thư giao cho Phương Thuận đưa đến nhờ Hoàng thân Cường Để giúp đỡ(2). Khi Cường Để bị Nhật trục xuất, bà tìm đường trở lại Quảng Châu. Để tránh sự truy tìm của mật thám, bà đi Thượng Hải rồi lại đến Quế Châu. Do bị mất liên lạc với đoàn thể, bà làm nhiều nghề để sinh sống. Bà lấy chồng, cũng là người xuất dương hoạt động cách mạng, vốn người làng Phổ Đông, nay thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Đàn. Hai ông bà được sinh được hai người con thì đột nhiên ông bị bệnh hiểm nghèo. Trước khi qua đời ông dặn bà nhanh chóng đưa con trở về Việt Nam.
Trong thời gian làm nhiệm vụ tình báo, hàng ngày bà trực tiếp trao đổi tin tức với chiến sĩ trinh sát Trần Lung, về tình hình hoạt động của bọn Tưởng. Cả hai người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác giao, và trở thành bạn đời chung thủy của nhau. Ông Trần Lung về sau làm đến chức Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công an. Hai ông bà có một gia đình hạnh phúc tại Hà Nội. Các con cháu đều thành đạt. Bà Nguyễn Thị Tích qua đời vào ngày 12/12/1995, tại Hà Nội. Con cháu bà vẫn thường về quê hương tưởng niệm tổ tiên nội, ngoại.
Chú thích
1.       Bùi Lệ Tân Sitek - Một mình trên đường, tr. 24
2.       Hoàng thân Cường Để được cụ Phan Bội Châu bố trí làm Hội trưởng Duy Tân hội, khi ấy đang lánh nạn ở Nhật Bản.
 Tài liệu tham khảo chính
1.       Địa chí văn hóa Hưng Nguyên, Ninh Viết Giao (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.751
2.       Bùi Lệ Tân Sitek - Một mình trên đường, NXB Hội nhà văn,2009
Theo khxhnvnghean.gov.vn
 
 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây