Ngày 1/5/1930, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, ở nhiều địa phương trên cả nước, quần chúng treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức mít-tinh, biểu tình, tuần hành thị uy… đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân; giảm sưu, giảm thuế cho nông dân. Đặc biệt, từ cuối tháng 9.1930, cuộc đấu tranh của quần chúng đã phát triển đến đỉnh cao trên phạm vi toàn quốc, quyết liệt nhất là ở vùng Nghệ An-Hà Tĩnh.
Tại đây đã diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân trên quy mô huyện và liên huyện, liên tỉnh. Quần chúng tấn công huyện đường, nhà lao, kho bạc, buộc bọn thống trị phải ký vào văn bản yêu sách của nhân dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 3000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) vào ngày 30.8.1930, của 3000 nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vào ngày 7.9.1930. Sức mạnh như chẻ tre của quần chúng cách mạng đã làm cho địch vô cùng hoang mang, lo sợ.
Trong lúc địch đang bối rối, thì ngày 12.9.1930 nổ ra cuộc biểu tình của 8000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo về thị xã Vinh. Sau khi nghe tiếng trống hiệu lệnh phát ra từ đình làng Xuân Hoà, lập tức tiếng trống, mõ, chiêng đồng từ làng này đến làng khác đồng loạt hưởng ứng, thôi thúc quần chúng xuống đường. Cuộc đấu tranh sau đó còn có sự tham gia của nông dân tổng Nam Kim (Nam Đàn) và công nhân Vinh-Bến Thuỷ. Đoàn biểu tình gồm có bốn cánh quân. Cánh quân thứ nhất từ chợ Rạng, cánh quân thứ hai từ Dương Pha, cánh quân thứ ba từ ga Yên Xuân, cánh quân thứ tư từ Phù Xá, theo con đường Hoàng Cần, Thông Lãng, Thái Lão. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Phia vừa đi vừa diễn thuyết. Khi đoàn biểu tình ra đến Thái Lão thì bị hai máy bay địch đến ném bom . Đến 16 giờ chiều cùng ngày, khi nhân dân đang thu giữ xác chết, địch lại cho máy bay đến giội bom lần thứ hai làm 217 người chết, hàng trăm người bị thương. Sự kiện này đã thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh, kéo dài cho tới năm 1931, dẫn tới sự tan rã bộ máy chính quyền đế quốc, phong kiến và hình thành các Xô viết.
Trong cuộc đấu tranh này đã hình thành lực lượng vũ trang tự vệ để hỗ trợ cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn thực dân, phong kiến hoảng sợ, nhiều tri huyện, lý trưởng nộp lại ấn tín hoặc chạy trốn, chính quyền của địch tan rã ở nhiều nơi.
Tại Nghệ An, tổ chức Nông hội với các hình thức Xô viết đã nắm chính quyền ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ở Hà Tĩnh, tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Đức Thọ có tới 172 xã thành lập Xô viết. Trong suốt thời gian tồn tại, các Xô Viết đã đảm nhận chức năng là chính quyền chuyên chính công nông, trấn áp bọn phản cách mạng… Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh đã giành được sự ủng hộ dưới nhiều hình thức của các địa phương, đồng thời cũng là ngòi nổ kích thích phong trào cách mạng trên toàn quốc dâng cao. Nhận định về sự kiện này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Tuy đế quốc đã dập tắt phong trào đó trong bể máu, nhưng Xô Viết-Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi lớn sau này".
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng đã dẫn tới sự ra đời chính quyền công- nông đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô Viết đã đem lại những thay đổi to lớn ở nông thôn như: chia lại ruộng đất công, xoá bỏ sưu thuế, đào mương chống hạn, xoá nạn mù chữ, xoá bỏ các tập tục lạc hậu, thành lập các đội tự vệ đỏ để bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân…
Trải qua gần hai năm vượt lên mọi thử thách ác liệt, cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh tuy bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu nhưng nó thực sự là cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng vô sản Việt Nam, đã giúp cho Đảng ta thêm tôi luyện và trưởng thành. Khi phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh bùng nổ, Bác Hồ đang hoạt động ở nước ngoài. Sau khi nhận được báo cáo về cuộc đấu tranh và vụ thảm sát ngày 12.9.1930 ở Hưng Nguyên (Nghệ An), Bác Hồ đã viết thư đề nghị Quốc tế Nông dân và Quốc tế Cộng sản, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, mở một chiến dịch chống đế quốc Pháp ở Đông Dương.
Với tư cách là uỷ viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục phương Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Đông Dương, Bác Hồ đã soạn thảo nhiều tài liệu về Xô Viết-Nghệ Tĩnh để báo cáo Quốc tế Cộng sản và chỉ đạo phong trào trong nước.
Ngày 29.9.1930, Người đã gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, khẩn thiết yêu cầu giúp đỡ những người bị đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong thư có đoạn: "… Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ"...
Nhận được thư của Bác Hồ, Quốc tế Cộng sản đã chỉ thị cho Đảng Cộng sản các nước trên thế giới, nhất là Đảng Cộng sản Pháp có những việc làm thiết thực ủng hộ Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
Nhân dân Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đã xuống đường đấu tranh, với băng cờ, khẩu hiệu và hàng vạn tờ truyền đơn với nội dung "ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ".
Mặt khác, Bác Hồ đã đề nghị Trung ương Đảng phát động phong trào cả nước ủng hộ Nghệ Tĩnh. Theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng, nhân dân Sài Gòn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn Tây, Thanh Hoá…. đã đứng lên hướng về Nghệ Tĩnh. Xô Viết-Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của phong trào Cách mạng trong những năm 1930-1931 và là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời.
Ban biên tập