Những ngày chớm thu, về với xã Hưng Tân, đi từ làng trên xóm dưới bạn sẽ cảm nhận được một mùi hương đặc biệt – hương cốm mới.
Không biết từ bao giờ, người dân Hưng Tân đã biết chắt chiu từ hạt nếp đồng chiêm trũng để chế biến thành những hạt cốm căng tròn, thứ quà quê bình dị giúp xua tan cái đói, cái rét ngày xưa đã trở thành một thứ đặc sản giúp người nông dân phát triển kinh tế hôm nay.
Những cánh đồng nếp Hưng Tân làm nguyên liệu cốm. Ảnh: báo Nghệ An
Cốm nếp Hưng Tân tạo được hương vị đặc trưng riêng, không giống bất cứ loại cốm ở nào ở các vùng miền trên cả nước. Loại cốm phải được chế biến từ chính hạt nếp gieo trồng ở thổ nhưỡng đất Hưng Tân, có độ đậm đà, thơm dẻo, “ rành nếp”. Cốm Hưng Tân không dùng bất kỳ loại hương liệu, phụ gia nào khác.
Lúa nếp được đãi sạch để chọn làm nguyên liệu cốm. Ảnh: Báo Nghệ An
Người nông dân dành cả vụ Hè thu để trồng nếp. Lúa nếp đến độ không quá già, cũng không quá non, độ vàng ươm thì thu hoạch về làm cốm. Muốn có hạt cốm thơm ngon, người nông dân phải chăm chút, sàng sảy để có hạt tròn đều. Làm cốm không khó nhưng để có hạt cốm mang đúng hương vị là cả một quá trình sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm của những người nông dân gắn bó cả đời với hương cốm.
Chị Nguyễn Thị Hoa - Nghệ nhân làng cốm Hưng Tân đang trao đổi kinh nghiệm làm cốm. Ảnh: Báo Nghệ An
Cốm nếp Hưng Tân hôm nay không chỉ dừng lại là món ăn cho trẻ con, là thức quà quê cho người đi xa mà cốm đã giúp người nông dân có một nghề để nâng cao thu nhập. Từ độ tháng 8 âm lịch trở đi, người người, nhà nhà đều làm cốm. Từ chỗ chỉ hạt cốm nếp đơn thuần, các tổ nông dân liên kết sản xuất cốm ở Hưng Tân hôm nay đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như: cốm gạo lứt, cốm ngọt, cốm mặn, cốm hông xôi...
Nghệ nhân làng cốm kiểm tra chất lượng cốm
Cốm nếp hôm nay đã được nâng tầm thành hàng hóa nhưng hương vị của nó vẫn vẹn nguyên để du khách một lần đến với làng nghề cốm nếp Hưng Tân đều “ nhớ thương hương cốm”.
Trọng Tâm