Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa: bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)…vv. Ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tên tướng đô hộ là Tô Định phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường trốn về nước.
Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được 2 năm. Do thế và lực của ta và địch chênh lệch quá lớn, Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.
Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau./.
Ban biên tập