Về Phan Thôn – thăm quê hương của nữ chiến sỹ cách mạng Lý Phương Thuận – một trong 8 thiếu niên đầu tiên được Bác Hồ cử xuất dương.

Thứ bảy - 04/11/2023 05:27
Về Phan Thôn – thăm quê hương của nữ chiến sỹ cách mạng Lý Phương Thuận – một trong 8 thiếu niên đầu tiên được Bác Hồ cử xuất dương.
Theo cuốn Dư địa chí Nghệ An của Phó giáo sư Ninh Viết Giao, Phan Thôn là một trong những làng được hình thành từ rất sớm – thuộc Tổng Thông Lãng, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Sơn, nay là Làng Phan – xã Hưng Tân – huyện Hưng Nguyên – tỉnh Nghệ An. Nơi đây có thế đất phong thủy tươi tốt, con người hiền hậu, thông minh. Câu đối cổ ở Đền Phan Thôn ghi rằng “ Đông hội ngũ long hồi tụ thủy; Anh linh chính khí trấn Nam thiên” nghĩa là “ Nơi năm con rồng đem nước về tụ lại; Tạo khí thiêng trấn giữ trời nam”. Trải qua các giai đoạn lịch sử, ở Phan Thôn đã xuất hiện nhiều tấm gương nghĩa liệt. Tiêu biểu như cụ Tổng giáo Khanh – người phụ trách quân lương trong nghĩa quân Phan Đình Phùng; Nhà nho Nguyễn Thái Bạt – người học rộng, tài cao, một lòng vì nước vì dân. Đặc biệt những ngày đầu chưa có Đảng, đây là nơi chôn nhau cắt rốn, nuôi dưỡng tâm hồn nữ chiến sỹ cách mạng Lý Phương Thuận – người học trò ưu tú, một trong 8 thiếu niên đầu tiên được Bác Hồ cử xuất dương làm cách mạng.
Ngôi nhà xưa không còn, thay vào đó là khuôn viên Từ đường họ Nguyễn Trọng trầm mặc, rợp bóng cây xanh. Bức anh của bà Nguyễn Thị Tích ( tên khai sinh của Lý Phương Thuận) được treo trang trọng. Lật giở cuốn gia phả họ tộc và cuốn hồi ký do chính con gái của bà viết lại, một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, mưu trí, dũng cảm, đầy hy sinh của người con gái nhỏ bé quê hương Phan Thôn hiện lên sinh động.
PT1
Khuôn viên từ đường họ Nguyễn Trọng
- dấu tích ngôi nhà xưa của nữ chiến sỹ Lý Phương Thuận
Nguyễn Thị Tích sinh năm 1916, còn có tên là Hoàng Lệ Minh, Lý Phương Thuận, Ngô  ứng Thuận, Lý Tiểu Muội, trong một gia đình có  truyền thống yêu nước, hiếu học. Cha của cụ là  Nguyễn Trọng Quyến, sớm giác ngộ cách mạng.
Khi lên 9 tuổi (năm 1924), cụ Tích được người cha gửi nhờ  một chiến sỹ yêu nước tên là Cố Khôn, đi theo đoàn thanh niên xuất dương. Lúc bấy giờ theo tiếng gọi của cụ Phan Bội Châu thanh niên xứ  Nghệ đã vượt núi băng rừng ra nước ngoài hoạt  động. Cụ Tích rời gia đình sang Lào để học chữ, lớp học này có 5 người do đồng chí Vũ  Tùng thay mặt đoàn thể phụ trách, sau đó cụ lại được đoàn thể đưa sang Xiêm học tại trường Hoa anh học hiệu.
Một năm sau, cụ  được đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tại Trường Trung Sơn tiểu học với tên mới là Ngô Ứng Thuận. Tốt nghiệp cụ được đoàn thể phân công làm việc tại cơ quan bí mật của chi bộ hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí  Kiên phụ trách. Một thời gian sau, được  đồng chí Lý Thụy bố thí vào làm công  nhân ở Nhà máy Điện Kỳ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. (1)

Tháng 4/1931,  Nguyễn Thị  Tích được giao nhiệm vụ giúp việc trong cơ quan của Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hồng Kông với vai trò là người dịch tài liệu và làm giao liên. Lúc này, bà mang tên mới là Lý Phương Thuận, với lý lịch người Nam Kinh (Trung Quốc) là  cháu của Tống Văn Sơ (Bác Hồ).
PT2
Từ đường Họ Nguyễn Trọng - nơi thờ cúng bố mẹ nữ chiến sỹ Lý Phương Thuận
Sáng sớm ngày 6/6/1931, cánh cửa nhà số 186 phố Tam Lung (Hồng Kông) bị  đập mạnh. Ông Tống (Tống Văn Sơ) ra mở cửa. “Ông Là Tống Văn Sơ?” – Người sỹ quan Anh hỏi vừa đưa mắt cho đám cảnh sát tùy tùng. “Vâng, các ông cần gì?”. Ông Tống Văn Sơ, ông chính là Nguyễn Ái Quốc, tội nhân vắng mặt ở  Đông Dương, ông bị bắt!”. 
PT4
Chân dung nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Tích ( Lý Phương Thuận)
thời kỳ hoạt động ở Quảng Châu ( Trung Quốc)
Cùng bị bắt với Tống Văn Sơ còn có Lý Phương Thuận. Trong phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ lần thứ nhất (31/7/1931), Lý Phương Thuận được tha vì không đủ chứng cớ buộc tội. Biết Lý Phương Thuận khó thoát khỏi bủa vây của bọn mật thám, từ trong nhà  giam, Tống Văn Sơ đã bí mật viết thư giao cho Phương Thuận đưa đến Cường Để đang lánh nạn ở Nhật Bản. (Ông được cụ Phan Bội Châu bố trí làm Hội trưởng Duy Tân hội). Lý  Phương Thuận ở nhờ Cường Để một thời gian thì phải trở về Quảng Châu, vì Cường Để bị Nhật trục xuất. Sợ bị lộ, cụ  Lý Phương Thuận đến Thượng Hải rồi lại về  Quế Châu. Do bị mất liên lạc với đoàn thể, cụ làm nhiều nghề để sinh sống.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nghe tin nước nhà độc lập,  Lý Phương Thuận vội trở về Tổ quốc. Đến Thủ  đô Hà Nội, vào nhà người quen là Tống Minh Phương, Lý Phương Thuận thấy gia đình treo cờ  Tổ quốc và ảnh Chủ tịch Hồ Chí  Minh, bà bàng hoàng xúc động nhận ra ngay là  đồng chí Tống Văn Sơ!

Chiều hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương đến. Người đưa tay về phía Lý Phương Thuận và nói: “Đây là cô Hoàng Lệ Minh, người đã từng trải hoạt động bí mật có nhiều kinh nghiệm. Chú  rất cần những cán bộ như thế này tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng”… Hoàng Lệ  Minh nhận nhiệm vụ đặc biệt trong vai trò một người tiếp viên bàn tại khách sạn Thăng Long trước ga Hà Nội, nơi bọn Tưởng chiếm làm nơi ở. Trần Lung, người trực tiếp sử dụng Hoàng Lệ Minh phục vụ cho công tác trinh sát nắm tình hình âm mưu thủ đoạn của giặc Tưởng, về sau làm đến chức Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công an. Cụ  Nguyễn Thị Tích - Hoàng Lệ Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ được

giao, sau đó trở thành người bạn đời của Trần Lung. Hai ông bà có một gia đình hạnh phúc tại Hà Nội. Cụ qua đời vào ngày 12/12/1995… 
LP15
Làng Phan - quê hương của nữ chiến sỹ cách mạng Lý Phương Thuận đang trên đà đổi mới
Noi gương người nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung, con cháu và quê hương Phan Thôn – xã Hưng Tân luôn luôn một lòng theo Đảng, thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới. Về Làng Phan hôm nay là một bức tranh nông thôn từng bước hiện đại, văn minh. Làng Phan trở thành Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh. Thành quả đó đã góp phần đền đáp công ơn cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, trong đó có nữ chiến sỹ cách mạng Lý Phương Thuận – một người con ưu tú của quê hương./.
Trọng Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây