1. Tính tất yếu phải tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(1). Người luôn đề cao sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, Người nói: “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2). “Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ, điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”(3), “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”(4). Việc gìn giữ và phát huy đoàn kết dân tộc là không thể bỏ qua trong mọi thời đại, Bác đã so sánh một cách mộc mạc nhưng đanh thép: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(5).
Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1991), Đảng ta xác định: “Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(6).
Nối tiếp tinh thần đoàn kết là sức mạnh của dân tộc, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn lực và động lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(7). Đại hội Đảng XIII tiếp tục quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;… Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”(8).
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, tệ tham nhũng, lãng phí vẫn là vấn đề đặt ra một cách cấp bách cần khắc phục. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có xu hướng gia tăng. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút. Các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách với những thủ đoạn mới để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo… Các tổ chức phản động tìm cách xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước như Đại hội XIII nhận định: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(9). Có thể nói, việc tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nền tảng tất yếu trong việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Điều kiện kinh tế - xã hội của người dân còn nhiều khó khăn, chính sách xã hội còn tồn đọng những hạn chế, bất cập. Điều kiện tự nhiên, sự biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến hoạt động lao động sản xuất, sự chênh lệch về mức sống, khoảng cách giàu nghèo cũng ảnh hưởng đến việc tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội, gây ra những vất vả khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền đối với cuộc sống của người dân. Tất cả những điều này tác động không nhỏ đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, gây cản trở sự phát triển xã hội.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, “một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm; dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”(10). Tại Đại hội XII, Đảng ta đã nhìn nhận một số hạn chế trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư nguyện vọng. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả”(11).
Thực tế này đặt ra yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để tạo động lực vững chắc cho sự phát triển xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định cần tiếp tục: “Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân…”(12).
2. Một số yêu cầu tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thứ nhất, để tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phải phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nói “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(13). Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử, họ quyết định lịch sử thể hiện ở mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần, từ kinh tế đến chính trị. Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn đề cao tư tưởng “lấy dân làm gốc”; luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
Như vậy, để tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì không thể không đoàn kết toàn Đảng, toàn dân; không thể không quan tâm đến lợi ích, đến đời sống và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kiên định chủ trương lấy dân làm gốc: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “lấy dân làm gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”(14).
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội để từ đó xây dựng và củng cố niềm tin cho quần chúng nhân dân. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người định cư ở nước ngoài”(15). Nhận thức rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc;… Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(16).
Thứ ba, giải quyết hài hòa lợi ích giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, với các giai tầng trong xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng, xét đến cùng kinh tế là lĩnh vực quyết định mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, kinh tế quyết định chính trị. Lợi ích kinh tế tác động trực tiếp đến thái độ, tinh thần và sự sáng tạo trong công việc của người lao động. Việc giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội là nguyên tắc quan trọng để tạo động lực cho mọi thành viên trong xã hội chung tay góp sức vào xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết cũng như chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(17).
Thứ tư, mọi thành phần, tầng lớp, giai cấp đều phải phát huy sức mạnh của mình và đoàn kết, hỗ trợ nhau. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi giai tầng trong xã hội. Bảo đảm tất cả đều được tạo điều kiện phát triển, được hưởng những quyền lợi chính đáng và cùng hướng tới mục tiêu phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã hội.
Đối với giai cấp công nhân cần được đào tạo vững về chuyên môn, thành thạo về kỹ năng và chuyên nghiệp về thái độ, có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Giai cấp công nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất vật chất, để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình họ cần được chăm lo, quan tâm từ điều kiện sinh sống của bản thân họ và gia đình, được chăm lo về sức khỏe, môi trường sống, môi trường làm việc, đảm bảo công bằng về mức lương trong các thành phần kinh tế, mức lương thực tế đảm bảo đủ để nuôi sống bản thân và gia đình họ ở mức tối thiểu. C.Mác trong Bản thảo kinh tế - triết học đã chỉ ra: “Tỷ suất tối thiểu và duy nhất tất yếu của tiền công là giá trị sinh hoạt của công nhân trong khi lao động và số dư ở vào mức để anh ta có thể nuôi gia đình và để cho nòi giống công nhân không tiêu vong”(18).
Việc chăm lo đời sống và bồi dưỡng nâng cao ý thức chính trị, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là những việc làm thiết yếu góp phần phát huy sức mạnh của giai cấp công nhân trong xã hội. Nhận rõ vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới, Đại hội XIII của Đảng chủ trương “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”(19).
Đối với giai cấp nông dân, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, y tế giáo dục cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để người nông dân có mức sống tối thiểu thì Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đầu vào, các khu chế biến, tiêu thụ hàng nông sản… Đại hội XIII khẳng định: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(20).
Đối với tầng lớp trí thức, trong bối cảnh hiện nay, khi lao động trí óc và kinh tế tri thức phát triển thì vai trò của tầng lớp này đối với sự phát triển xã hội lại càng được khẳng định. Đội ngũ này cần được đào tạo bồi dưỡng theo hướng chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp, tạo điều kiện và có chính sách phát triển, thu hút nhân tài. Đại hội XIII khẳng định cần phải tôn trọng, có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với tầng lớp trí thức và chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, môi trường làm việc cho đội ngũ này: “Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài… Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(21).
Để tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc thì không thể bỏ qua vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Đối với thế hệ trẻ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ”(22).
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng, do đó cần tập trung tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, cần có cơ quan quản lý nhà nước về phụ nữ đủ tầm, đủ sức để phát huy vai trò của phụ nữ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc. Ở nước ta, mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ gắn bó chặt chẽ và trên thực tế cả hệ thống chính trị đã và đang tập trung vào việc thực hiện mục tiêu này. Việc chăm lo hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em đã được nhấn mạnh tại Đại hội XIII: “Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”(23).
Đối với doanh nhân, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Đại hội XIII tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện để doanh nhân kinh doanh lành mạnh: “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(24).
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì trình độ dân trí, mức sống chưa cao, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục còn hạn chế. Vấn đề an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, dễ bị thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp”(25). “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(26). Đại hội XIII chủ trương: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững… Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(27).
Ngoài ra, đoàn kết tôn giáo cũng là một nội dung quan trọng để củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được cho là nguyên tắc trọng yếu để đoàn kết đồng bào tôn giáo, trên cơ sở đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Mỗi tôn giáo đều có những giáo lý, giáo luật, giáo hội riêng nhưng đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Bởi thế, việc tăng cường đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cơ bản để ổn định và phát triển xã hội và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận… Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(28). Để thực hiện tốt vấn đề đoàn kết tôn giáo, dân tộc, Đại hội XIII chỉ đạo: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc”(29).
Như vậy, mỗi thành phần, giai tầng trong xã hội đều đóng vai trò nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, cần chăm lo và huy động vai trò, sức mạnh của tất cả các thành phần, các giai tầng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - tạo động lực thiết yếu để xây dựng và phát triển xã hội Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh trong bối cảnh thế giới đương đại như quan điểm chỉ đạo của Đảng ta tại Đại hội XIII: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(30)./.
Ban Biên tập ( tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn