1. Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút (ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao có thể đến 100%.
2. Triệu chứng bệnh:
Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán DTLCP khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi.
- Thể quá cấp tính (Peracute) là do vi rút độc lực cao, lợn chết nhanh, sốt cao 41 - 42 °C, kéo dài 2-3 ngày, chết trong vòng 4 ngày, có thể chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Thể quá cấp tính chủ yếu xuất hiện ở vùng bệnh xuất hiện lần đầu.
Triệu chứng dịch tả lợn Châu Phi
- Thể cấp tính (Acute) là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (41-42°C). Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu, da tím tái sau 24-48h. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%.
- Thể á cấp tính (Subacute) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %.
- Thể mãn tính (Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp.
3. Biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả và thuốc điều trị đặc hiệu được bệnh Dịch tả lợn châu phi, vì vậy đối với người chăn nuôi giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ, là giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống bệnh DTLCP.
- Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác.
Hình ảnh minh họa
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho lợn như: Vắcxin dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móng…cho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp.
- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh DTLCP để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
- Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.
- Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh Dịch tả lợn châu phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh; cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Lê Sơn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn